Sunday, November 23, 2014

Cái kết của chú chim nhỏ

Truyện Online - Khi phải đối mặt với sinh tử, con người chỉ có một ước muốn nhỏ bé. Đó là được mở lòng và yêu thương hết mình. Bởi trên đời này không còn nỗi đau nào lớn hơn có thể giày vò họ được nữa.


***

Mùa đông năm nay khá lạnh. Sáng nay dự báo thời tiết nói nhiệt độ còn dưới cả mười. Hành lang bệnh viện vắng tanh. Mùi thuốc khử trùng vấn vít quanh cái mũi đỏ ửng, tê cóng vì lạnh. Tiếng bước chân vang lên đều đặn trong không gian yên tĩnh.

Tôi rảo bước tiến đến phòng bệnh số 205. Một người đàn ông đang ngồi trước cửa phòng. Mặt hơi tái, quầng mắt thâm đen sì. Anh ấy cứ ngồi đó, ngoài làn khói phả ra đều đều từ mũi khiến tôi cảm nhận được sự sống vẫn đang tiếp diễn. Bằng không, anh giống như một pho tượng đá vô tri vô giác.

Nghe thấy tiếng bước chân, anh ta giật mình ngẩng đầu lên.

- My, em đến rồi. - Đức gấp gáp nói. - Cô ấy đang ở bên trong, em vào đi.

Tôi nhăn trán, đi lướt qua anh, đẩy cửa bước vào phòng. Cửa sổ khoá chặt, gió không lùa vào được nên trong phòng rất ấm. Rèm trắng mỏng rủ xuống bên khung cửa, phất phơ bay. Hai chiếc giường kê sát bức tường trắng, chen giữa là chiếc tủ gỗ lùn, bên trên đặt một lọ hoa giả sặc sỡ. Chỉ có chiếc giường ở góc trái là có người nằm. Tôi hơi ngạc nhiên. Cô gái này tiều tuỵ hệt như lời kể của Đức. Nghe nói Thư bị suy sụp tinh thần do phát hiện mình mắc bệnh nặng, không thể cứu chữa. Đôi mắt khép hờ. Khuôn mặt nhợt nhạt, gò mà ửng hồng. Mái tóc đen nhánh xoã tung trên gối.

- My, em giúp anh một chuyện được không?

- Chuyện gì?

- Thư – người yêu của anh, em biết mà. - Giọng nói ở đầu dây bên kia trở nên gấp gáp. - Từ sau hôm bác sĩ phát hiện ra bệnh, cô ấy dường như biến thành người khác, lúc nào cũng sợ hãi. Thư ngơ ngẩn cả ngày, chẳng còn thiết sống nữa. Đến anh cô ấy cũng không nhận ra”.

- Vậy tại sao lại gọi cho em?

- Anh muốn em đến an ủi Thư. Hai người ngày trước hợp tính nhau lắm mà. Anh nghĩ đi nghĩ lại, thấy có em là thích hợp. Anh không nỡ nhìn cô ấy sống vô thức như vậy mãi. Anh muốn cô ấy tìm lại được tình yêu.

Tôi bước nhẹ nhàng đến bên giường. Thấy tiếng, Thư hoảng loạn mở mắt. Đôi mắt ấy không trong trẻo như xưa, mà tràn ngập ánh nhìn sợ hãi và lạnh lùng.

- Chị Thư, đừng sợ. - Tôi cúi người xuống, nhỏ giọng. - Đừng sợ.

- My? - Thư nhìn tôi, sự sợ hãi trong mắt đã giảm bớt.

- Vâng. - Tôi cười trấn an. - Em là My đây.

Thư mỉm cười, vòng tay qua ôm lấy tôi, giọng nói yếu ớt thoảng qua như cơn gió đầu xuân:

- Tốt rồi…

Ngoài kia gió bão vẫn lồng lộng không ngừng, nhưng có lẽ chúng tôi không biết, cũng chẳng cần quan tâm.



***

- My, em đang làm gì đấy?

Tôi hạ bút, ngẩng đầu lên xem đồng hồ.

- Mười giờ, đến giờ uống thuốc rồi. - Tôi đưa cốc nước, lòng bàn tay trái đặt mấy viên thuốc con nhộng vàng óng.

- Ừ. - Thư đón lấy cốc nước, lại tiếp tục hỏi. - Em đang vẽ hả?

- Vâng. - Tôi đưa bức tranh vẽ dở cho Thư.

Tranh vẽ một chú chim nhỏ đậu trên cành cây. Khung trời thiên thanh không hề có một áng mây mỏng. Nắng gắt mùa hạ rực rỡ quấn quanh thân gỗ già nua, to lớn. Cành cây gầy guộc đâm lộn xộn ra nhiều phía. Tôi vẽ chim rất nhỏ, tựa như chỉ chấm qua loa vài nét để tô điểm thêm cho quang cảnh đất trời hùng vĩ. Không ai biết, tôi đã vẽ con chim đó rất lâu. Đôi mắt, cái mỏ, bộ lông…Tẩy đến đen cả giấy mà vẫn không ưng. Thật khó để miêu tả một chú chim tuy nhỏ nhưng vẫn thật nổi bật, tuy bề ngoài yếu ớt, nhưng bên trong lại thực kiên cường.

- Đẹp quá, nét vẽ thật tinh tế. - Thư nhận xét. - Chỉ có điều…

- Sao vậy chị?

- Trông chú chim này cô đơn quá. Nó không có bạn sao em?

Ngón tay của Thư chỉ vào con chim. Màu nắng vàng hoà với màu trời nhạt, màu xanh lá, màu gỗ nâu tĩnh mịch. Tôi rút lấy bức tranh trong tay Thư, gập nó lại rồi cất vào cặp.

- Để mai em vẽ lại bức khác. - Tôi nói một cách cứng nhắc.

***

Thời tiết không có dấu hiệu sẽ ấm lên. Càng đến gần lễ Giáng Sinh, trời càng lạnh. Cái lạnh cắt da cắt thịt xuyên qua mấy lớp áo dày. Thật chẳng biết ở Châu Âu, khi tuyết rơi sẽ lạnh đến cỡ nào. Tôi không thích mùa đông, không thích lạnh. Thể chất tôi cũng chẳng khoẻ mạnh gì, chỉ một cơn gió thổi qua là toàn thân đã cứng đơ. Tôi giơ tay kéo chiếc mũ len qua trán, quấn khăn che kín nửa khuôn mặt, chỉ chừa ra đôi mắt.

Đạp xe thẳng đến bệnh viện, tôi rón rén bước vào phòng bệnh. Thư vẫn chưa ngủ dậy. Tôi cởi mũ, áo khoác với khăn len treo lên mắc, rồi ngồi xuống chiếc ghế gỗ cạnh giường. Tôi rút ra trong túi bài kiểm tra một tờ giấy A4, bắt đầu cặm cụi vẽ. Kim đồng hồ gõ từng nhịp không ngơi nghỉ. Lúc Thư tỉnh lại đã là mười hai giờ kém. Hôm nay, cô ngủ nguyên nửa ngày.

- Chị tỉnh rồi à? - Tôi bưng cốc nước qua. - Ăn chút gì không?

- Không cần, chị không đói. - Thư đáp mệt mỏi.

Tôi gật đầu, rồi ngồi xuống tiếp tục vẽ.

- Bức tranh thứ hai, phải không? - Cô ấy mỉm cười. - Mang qua đây cho chị xem nào.

Thư cầm lấy bức tranh, thoáng ngẩn người. Tôi chăm chú quan sát biểu cảm của Thư, không để ý đến bút màu trong tay đã rạch trên ga trải giường trắng toát một nét dài sậm. Rất lâu sau, cô ấy mới mở miệng:

- Ồ, cành cây cong rồi à? Chị biết mà, rồi nó cũng gãy. Con chim sẽ rơi xuống và chết, đúng không?

Tôi định nói, Thư lại chặn ngang:

- Em không cần giải thích. Chị nhìn thấy bạn của nó đang bay đến. Nhưng sẽ chẳng kịp đâu, cành cây sẽ gãy trước đó.

Tôi không còn biết nói gì nữa. Nhưng, cứ để cô ấy tiếp tục suy nghĩ lệch lạc như vậy ư?

Thư sống nội tâm, khép mình khỏi cuộc sống ồn ã bên ngoài. Tôi thật sự bối rối, không biết làm thế nào thì cô ấy mới trở lại được như ngày xưa – vui vẻ và hoạt bát? Vết thương gì cũng có thuốc giải, kể cả vết thương lòng. Nhưng khi đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, chẳng có thuốc gì làm giảm bớt được sự sợ hãi ngày một dâng cao.

Thư buông bức tranh ra, nhắm mắt thiu thiu ngủ. Khuôn mặt hôm nay trông phờ phạc hơn nhiều. Nước da tái xanh, đôi môi mỏng mím lại thành một đường mảnh. Tôi đắp chăn cho Thư, rồi gục đầu vào thành ghế chợp mắt một lát.



Có bóng người mặc sơ mi trắng lọt vào tầm mắt hơ hé mở. Tiếng bước chân đã đánh thức giấc ngủ của tôi. Đức không để ý đến tôi. Anh chỉnh lại chăn gối cho Thư, rồi lặng lẽ đi ra ngoài. Thư không nhận ra người yêu của cô, không nhận ra Đức. Nhiều lúc tôi nghi ngờ, có thật là Thư vì sốc mà quên mất Đức hay không? Nếu đã quên anh ấy, sao vẫn nhớ đứa em gái của anh là tôi đây? Có lẽ cô ấy muốn để anh quên, để anh dần dần quen với những tháng ngày không còn sự tồn tại của cô. Để khi cô hoàn toàn biến mất, anh vẫn có thể sống tốt.

Ánh nhìn của tôi dừng lại ở bức tranh đầu giường.

Trong tranh, bên cạnh gốc cây, thẳng phía dưới chú chim là mấy chiếc lá khô xếp lộn xộn được vẽ vội bằng những nét nguệch ngoạc. Còn chú chim đang bay tới từ đằng xa bị xoá mất, chỉ để lại vết tẩy xám xám trên nền giấy trắng. Chiếc bút chì và cục tẩy từ trong chăn lăn ra, rơi “bộp” xuống sàn nhà. Tôi nhìn Thư. Hai mắt nhắm nghiền, nhưng mí mắt vẫn hơi động đậy. Chưa ngủ. Lắc đầu, tôi thầm cười khổ.

Thật mong người vẽ thêm kia không phải là cô ấy.

***

Giáng Sinh trôi qua một cách lặng lẽ trong bệnh viện. Thời gian ngủ của Thư dài hơn ngày trước. Hôm nào tinh thần phấn chấn thì có thể thức từ sáng đến tối, hôm nào yếu thì ngủ li bì cả ngày không tỉnh. Mấy lần tôi hỏi bác sĩ rốt cuộc Thư bị bệnh gì, họ đều lắc đầu thở dài. Bệnh gì giờ đây cũng chẳng cần biết nữa, quan trọng là cái kết. Ai cũng biết, nhưng chẳng ai nói. Chúng tôi ngày ngày ở bên cạnh Thư, nhìn cô ấy yếu đi, mong manh như một hơi thở.

Ngày hai lăm tháng một, bố mẹ và tôi về quê chuẩn bị đón Tết. Đức không chịu đi, nhất quyết ở lại chăm sóc Thư. Bố mẹ không còn cách nào khác ngoài đồng ý. Tôi thở dài, Đức muốn ở bên cạnh Thư trong khoảnh khắc giao thừa, bởi có lẽ đây là giao thừa cuối cùng cô ấy cảm nhận được. Chúng tôi về quê độ hai tháng, chắc phải cuối tháng ba mới về. Trước khi đi, tôi nhờ Đức chuyển vài lời chúc mừng năm mới cho Thư. Số mệnh do trời, tôi chẳng dám khẳng định cô ấy còn sống trước lúc tôi về.

Tôi nói với Thư, bảo cô ấy vẽ nốt bức tranh cuối – cái kết của chú chim. Cô muốn vẽ thế nào cũng được, đây là sự lựa chọn của cô ấy. Ở bên cạnh Thư suốt hai tháng, tôi chợt nhận ra bản thân vẫn không hiểu gì về cô.

***

Không khí đón Tết ở quê tôi thật rộn ràng! Mỗi sáng ngủ dậy, tôi lại thấy ngoài sân chật kín người. Trên những chiếc bàn gỗ cũ kĩ đặt ấm chè và mấy miếng trầu. Hàng xóm đến chơi rất đông, ngồi ngoài sân nói chuyện phiếm. Càng đến Tết, hoa khoe sắc nở, mầm cây đâm chồi nảy lộc, tâm tính mọi người cũng thoải mái hơn.

Đêm hai mươi sáu Tết, tôi ngồi trên chiếu trông nồi bánh chưng. Nói là ngồi trông, nhưng tôi cũng chẳng giúp ích gì thêm. Một nồi bánh chưng lớn hơn trăm chiếc mà ông tôi lại chịu để cho tôi - đứa cháu đến nhóm củi cũng không biết - ngồi trông ư? Cô em họ xa của tôi cũng ngồi cùng. Nó tuy nhỏ nhưng nhanh nhẹn lắm, việc gì làm cũng tươm tất, khiến tôi thấy vô cùng tự ái. Tôi thức chỉ vì muốn cảm nhận được không khí Tết, nhìn thấy ánh lửa bập bùng tí tách.

- Chị đang làm gì đấy?

Hoa ngồi xổm xuống, nhét thêm một thanh gỗ vào để giữ lửa. Khuôn mặt tròn hơi lem luốc, hai bím tóc đung đưa qua lại.

- Vẽ. - Tôi trả lời.

- Vẽ sao?

Hoa gạt đống bút chì và màu lăn lóc trên chiếu, ngồi xuống cạnh tôi.

- Bác gái nói chị vẽ đẹp, quả thực không sai.

Hoa giơ tay với lấy hai bức tranh đặt trên chiếu. Đó là hai bức tranh về chú chim mà tôi vẽ tặng Thư.

Tôi bảo cô ấy vẽ bức cuối cùng, nhưng có lẽ cô ấy sẽ không vẽ. Tôi không nỡ để câu chuyện ấy kết thúc một cách dang dở như vậy. Thế nên, tôi dựa vào những gì tôi hiểu về cô ấy để vẽ nốt câu chuyện này. Bàn tay cầm bút màu tô cho khoảng trời một màu vàng rực rỡ. Phải rồi. Chú chim đó chỉ là một sinh linh bé nhỏ. Dù chú có chết đi, thế giới này vẫn không đổi thay. Lá sẽ vẫn xanh, nắng sẽ vẫn vàng.

- Chị My! - Hoa lay lay cánh tay tôi, nheo mắt chỉ vào bức tranh trong tay tôi. - Con chim này sao ở bức tranh trước không thấy có, chỉ có một đám lá khô.

Tôi cúi xuống nhìn bức tranh mình đang vẽ.

Cành cây gãy, chú chim đã rơi xuống.

Chú chim đằng xa không bay đến kịp.

Tôi thoáng nhớ đến hình ảnh Thư với đôi mắt sẫm màu, dường như đã mất hết niềm tin vào cuộc sống.

“Hoa, chắc em cũng nghĩ cành cây sẽ gãy trước khi chú chim kia bay đến phải không? Chắc rồi, bởi vậy mới vẽ thêm đống lá khô…”


***

Tết trôi qua, nhịp sống lại trở về như ban đầu. Bố mẹ và tôi thu dọn hành lí để về Hà Nội. Trước khi về, tôi chợt nhớ ra Hoa có mượn bức tranh cuối cùng của tôi, bèn vội vàng chạy đi tìm. Hoa nhìn tôi, chỉ cong môi đáp, mặt ra vẻ không vui:

- Em xé nó đi rồi.

- Hả? Sao cơ? - Tôi ngỡ ngàng.

- Cái kết đó thật quá bi thương. Chú chim nhỏ ấy chết, thật tội nghiệp. Bạn của chú còn chưa bay đến kịp, cành cây đã gãy rồi. - Hoa buồn rầu nói.

Tôi mím môi không đáp.

Cành cây gãy nhanh, không phải do thân cây yếu, mà vì con chim chúc đầu xuống sâu.

Con chim chết, là bởi nó không tin tưởng bạn nó sẽ đến kịp; là bởi nó không hiểu, khi sắp đối đầu với cái chết, hạnh phúc là dùng hết sức để mở lòng, yêu thương và tin tưởng, để khi ra đi không còn gì hối tiếc.

***

Lúc tôi tỉnh lại sau giấc ngủ cũng là lúc ô tô về đến trước cổng. Tôi khệ nệ ôm ba lô chất đầy quần áo rét dày cộp bước vào nhà. Thời tiết đã bắt đầu ấm dần lên. Năm ngoái nhuận một tháng, qua Tết đã là đầu tháng ba, chúng tôi ở thêm một tháng nữa thì đến tháng tư mới về. Tính ra thì cũng ba tháng tôi chưa gặp Đức và Thư. Đồ đạc còn chưa kịp dọn dẹp, tôi đã lao đến bệnh viện. Chẳng biết bọn họ giờ thế nào rồi. Thư còn sống không? Bao nhiêu câu hỏi không lời giải đáp luẩn quẩn khiến đầu óc tôi hoang mang. Từ hôm về quê, ngoài tin nhắn chúc mừng năm mới ra, Đức chưa nói gì về tình hình của Thư. Tôi cũng sợ không dám hỏi.

Tôi chạy đến phòng bệnh số 205. Chạy qua vườn hoa bệnh viện, tôi liếc mắt nhìn thấy hai bóng người quen thuộc. Thư ngồi trên ghế đá. Cô mặc bộ đồ bệnh viện màu trắng, tóc búi cao. Khuôn mặt vẫn nhợt nhạt như trước, nhưng ánh mắt lại bừng sáng, lấp lánh niềm vui. Đức đứng bên cạnh cô, sắc mặt vui vẻ mà tôi chưa thấy bao giờ, miệng cứ liến thoắng không ngừng. Xem ra Thư đã nghĩ thông suốt rồi.

Một vị bác sĩ già đi qua, tôi kéo ông ta lại hỏi về tình trạng sức khoẻ của Thư. Thư sẽ chết. Cùng lắm thì cô ấy sẽ sống được hết năm nay. Chừng ấy là đủ. Cô ấy còn một năm nữa để sống và yêu hết mình. Một cái kết hạnh phúc.

Ông bác sĩ còn nói thêm, cậu con trai kia hoàn toàn không biết chuyện này. Mấy lần ông định nói, nhưng thấy Đức vui vẻ như vậy lại không nỡ. Anh vẫn cứ tưởng bệnh tình của Thư đang chuyển biến dần dần theo chiều hướng tích cực.

Bầu trời trong xanh. Những khóm hoa sặc sỡ bung nở trong các chậu sứ. Hương thơm ngào ngạt lan toả. Cây cổ thụ cao lớn, xoè tán lá rộng che chở cho hai con người ngồi dưới gốc cây. Thư nắm tay Đức, đứng lên đi về phía hành lang bệnh viện. Tôi vội vàng đứng núp sau một thân cây lớn. Khi họ đi qua, tôi có nghe loáng thoáng được mấy câu.

- Hoa ở đây rất đẹp đúng không? Về sau khi chúng ta cưới nhau, anh sẽ mua thật nhiều hoa về trang trí nhà của chúng ta. Em thích hoa gì?

- Hoa ly vàng, em thấy chúng giống màu nắng. Rất đẹp!

- Được thôi, tất cả mọi việc đều theo ý em.

Tôi nhìn về phía ghế đá. Hình như ban nãy bọn họ bỏ quên thứ gì đó. Một tờ giấy úp sấp trên ghế. Tôi tò mò bước đến, cầm tờ giấy lên, giở quay ra mặt sau.

Dưới tán cây xanh mát, một chú chim dang đôi cánh, ôm lấy một con chim nhỏ nhắm nghiền hai mắt. Bên cạnh là một cành cây bị gãy khỏi thân với đống lá khô xào xạc. Trên cao, ánh nắng vàng rực rỡ.
Quỳnh Anh

CHIA SẺ TÔI NHÉ
SOCIALIZE IT →
FOLLOW US →
SHARE IT →

0 nhận xét:

Post a Comment