Hồi ấy anh là lính còn tôi là sinh viên.
Người ta thường bảo chuyện tình của lính và những cô nàng sinh viên lãng mạn thì nhảm nhí và vô vọng lắm…
Và vì thế mà bây giờ chúng tôi trở thành gia đình lưu động…
Gia đình lưu động chúng tôi gồm ba thành viên: chồng tôi – lính cao nguyên, con trai 8 tuổi và tôi – giáo viên quê nghèo miền Trung.
Chúng tôi gặp và quen nhau trên một chuyến xe Bắc – Nam trong một lần tôi từ quê hương Thanh Hoá một mình vào nhập học ở trường Đại học sư phạm Đà nẵng, còn anh thì vừa hết phép từ quê Nghệ An vào đơn vị. Hồi đó tôi mới chỉ là cô sinh viên năm nhất chưa tròn 19 tuổi, còn tuổi anh đã khá nhiều, anh bảo anh đã 38. Tôi cười định bảo anh khéo đùa, nhưng nhìn đôi mắt hiền từ, thành thật, nhìn nụ cười ấm áp bao dung của anh lúc đó tôi liền tin là anh nói thật. Tôi hơi thất vọng. Nhưng chúng tôi nhanh chóng làm quen và cởi mở tâm sự thân tình như đã gặp nhau từ kiếp trước. Tôi lúc đó bỗng cảm thấy anh thân thuộc và ấm áp quá.
Chuyến xe về đêm thật nhanh hay chính lòng tôi không muốn thế.
Chúng tôi chỉ kịp trao nhau những dòng địa chỉ viết vội. Anh tiếp tục chặng đường còn tôi phải dừng lại thôi. Tiếc lắm.
Thời gian sau đó, tôi lên giảng đường mà như ngồi trên mây, tối tối tôi viết thư cho anh, viết rồi xé đi, viết rồi lại xé đi. Một cô gái quê chưa tròn 19 nhút nhát như tôi thì làm sao chủ động bảo nhớ một người đàn ông hơn mình đến 19 tuổi chỉ quen trên một chuyến xe cách chưa đầy một tuần. Hồi đó, thật tình tôi không thể làm thế vì tôi cho rằng làm thế anh sẽ coi rẻ tôi lắm. Thôi, chịu khó chờ đợi vậy…chờ đợi vậy thôi.
Và ngày đó đã đến, ngày có một khoảnh khắc mang tên TÌNH YÊU! Đã khiến tôi mỗi lần ôn lại cảm thấy niềm hạnh phúc như còn mới nguyên. Đó là tôi nhận được thư anh. Ngày hôm đó có cô sinh viên 19 tuổi cáo nghỉ ốm và nằm ở nhà đọc lá thư của người đàn ông 38 tuổi mà khóc sưng húp cả mắt vì hạnh phúc, và…vì nhớ thương người ta. Cô đọc đến nhàu nát cả lá thư và nước mắt làm nhoè hết cả những nét chữ lẽ ra còn rất xa lạ thì cô lại tưởng như thân thuộc từ đời nảo đời nào.
Và mối tình lãng mạn chứa chan nỗi nhớ ấy đã trải dài theo năm tháng, trải dài theo những chuyến xe đường dài, trải dài theo dòng nhớ, dòng đời cuộn chảy, mang nhiều hạnh phúc ngọt bùi nhưng cũng nhiều cay đắng và lắm gian nan.
Bởi vì cô sinh viên 19 tuổi vì tình yêu mà sớm tự nguyện hy sinh những niềm vui hồn nhiên trong trắng của thời sinh viên, tự nguyện trở thành đàn bà, tự nguyện làm mẹ, vượt qua những lời đồn đại ác ý, vượt qua hàng trăm nghìn ánh mắt xăm xoi, khinh bỉ, xa lánh của hàng trăm nghìn sinh viên và thậm chí là cả các thầy cô.
Tôi gần như tuyệt vọng, gần như gục ngã. Tình yêu là thật, si mê là thật.Và tôi không hề chối cãi. Nhưng tôi hồi đó vội vã đi ngược dòng luân lí, trái với lề lối gia phong của người phụ nữ Á đông. Chính tôi cũng bàng hoàng, hối hận và muốn kết thúc tất cả. Bởi vì chính tôi cũng đang mang trong mình dòng máu của người Á đông – đặt trinh tiết lên hàng đầu và sẵn sàng đè nén, vùi dập những gì gọi là khát vọng tình yêu, khát vọng con người để bảo vệ đến cùng giá trị đạo đức của cái gọi là trinh tiết. Bởi vì chúng tôi sợ sự khinh miệt của cộng đồng.
Tôi bỗng cảm thấy ngôi trường mà tôi đã dày công phấn đấu bao nhiêu năm mới vào được mới đây còn thân thuộc, gần gũi biết bao giờ trở nên xa lạ, ngột ngạt vô cùng. Tôi càng không dám nghĩ tới quê nhà, nghĩ tới người thân và cha mẹ mình nữa. Cha sẽ không tha cho tôi, người dân quê tôi chắc chắn sẽ đưa tôi ra làm bài học đáng nhớ cho con cái của họ, như hồi nhỏ mẹ cũng từng dạy tôi theo cách đó. Nhiều lần muốn báo tin cho anh nhưng tôi sợ phải nhận lấy sự im lặng từ chối…
Tôi lặng lẽ bỏ đi. Còn một nơi duy nhất có thể cưu mang tôi. Đó là một người bạn gái thân nhất của tôi đang làm công nhân ở Sài Gòn. Đến nơi tôi mới kể hết mọi chuyện cho nó nghe (hồi đó điện thoại di động chưa phổ biến như bây giờ, chúng tôi liên lạc chủ yếu bằng thư từ và điện thoại cố định) với mong muốn sẽ nhận được những lời tỉ tê an ủi ….Ai ngờ nó mắng tôi như tát nước vào mặt, khiến tôi được một phen khóc hết nước mắt, nghĩ hết đường sống. Là bạn thân nhưng nó tính tình cứng cỏi như đàn ông, còn tôi là mít ướt, chỉ ưa sống lãng mạn, thường hờn trách số phận, dễ tủi thân.
Nhưng tôi có được hạnh phúc như bây giờ cũng là nhờ nó…
Số là hồi đó, nó quyết bài gọi điện đến kí túc xá , xin gặp một đứa tốt bụng trong phòng tôi nhờ viết giấy xin nghỉ ốm, rồi một mình lặn lội lên Tây Nguyên tìm anh theo dòng địa chỉ và số điện thoại cố định mà nó ép tôi phải đưa cho nó. Nó bảo : “Nếu mày muốn sống và cứu lấy đứa trẻ trong bụng mày thì chỉ còn cách này thôi. Trừ khi tao lên gặp và kể hết mọi chuyện mà thằng cha đó làm ngơ không biết hoặc từ chối thẳng thừng …Mày chỉ việc ngồi đấy mà đợi”. Tôi nắm tay nó khóc thảm thiết bảo: “Liệu người ta có tin mày không, mà nghe nói trên đó rừng thiêng nước độc…?”. “Mày biết trên đó rừng thiêng nước độc mà còn dấn thân vào …”.
Nó đi rồi tôi đóng cửa thấp thỏm ngồi đợi … một ngày, hai ngày, và 3h sáng ngày thứ ba, khi nỗi lo lắng thấp thỏm của tôi đã lên đến đỉnh điểm tưởng như nghẹt thở thì … cốc! cốc! cốc! Tôi bật dậy như cái lò xo rồi đột nhiên khựng lại, không dám lên tiếng, cũng không thể cất nổi chân mình…
Li ơi! Li! Mử cửa! Mở cửa!
Im lặng.
Li ơi! Mở cửa xem tao mang quà Tây Nguyên về cho mày đây này! Cốc! cốc! cốc!
Cánh cửa mở toang mà tôi không kịp biết vì sao nó được mở, tôi chỉ nhìn thấy trước mắt tôi là người đàn ông cao lớn, chững chạc trong bộ quân phục của lính. Tôi còn chưa hết bàng hoàng thì anh đã dang rộng vòng tay đón mẹ con tôi vào lòng. Hạnh phúc vỡ oà. Tôi hiểu mình mãi mãi có anh.
Chúng tôi nhanh chóng dàn xếp mọi việc, cùng trở về quê.
Mẹ tôi suýt ngất xỉu vì không kịp hiểu, không thể tin, cha tôi cũng ôm ngực đau đớn, sững sờ. Tôi nghe tim thắt lại, chợt nhận thấy chưa bao giờ mình đau đớn dường vậy. Chúng tôi cùng quỳ mọp xuống, cúi đầu tạ tội với tất cả.
Anh chững chạc bày tỏ mọi nhẽ, cầu xin gia đình tôi bằng lòng…Đương nhiên được chấp thuận, tức thì có lẽ tại mọi sự đã rồi, gạo đã nấu thành cơm mất rồi thì biết phải tính sao?
Tôi còn lo lắng và thấp thỏm hơn khi anh đưa tôi về giới thiệu và ra mắt gia đình anh. Trời ơi, tôi sẽ trở thành kẻ trơ trẽn lắm, hư hỏng lắm trong mắt mọi người! Điều này thật khác xa với những suy nghĩ, với cách nhìn đời và quan điểm sống cứng cỏi của tôi trước khi gặp anh.
Đến cổng, tôi phải bíu chặt lấy anh y hệt một đứa trẻ lên ba lần đầu đi nhà trẻ, liếc trộm anh, tôi thoáng thấy một nụ cười kín đáo. Không hiểu?
Vào đến gian nhà chính thì thấy các bậc cao niên đã tề tựu đông đủ. Lạ thay, ai cũng hồ hởi tiếp đón tôi, đặc biệt là bà cụ (lúc đó tôi linh cảm là mẹ anh, chừng khoảng ngoài 70) thì tỏ ra vui mừng khôn xiết…
Sau này tôi mới biết là hồi đó anh đã kín đáo gọi điện về nhà trình bày cặn kẽ mọi chuyện và sắp đặt trước buổi gặp mặt đó.
Mẹ anh và cả anh em họ hàng thì từ rất lâu, rất lâu đã mong anh sớm lập gia đình, có con vì nhà chỉ có mình anh là con duy nhất, cha anh thì đã mất từ rất sớm, mẹ thì đã già yếu. Anh từ lâu luôn tìm mọi cách thuyết phục mẹ vào Tây Nguyên để anh tiện bề gần gũi chăm sóc, đỡ đi lại vất vả, nhưng bà không chịu, bảo tuổi đã cao, lại còn phần mộ cha, còn anh em họ hàng…
Vậy là chúng tôi nên vợ nên chồng sau vài cuộc gặp mặt gấp rút giữa hai gia đình và sau đám cưới giản dị nơi miền quê, sau đó là một cuộc liên hoan tại đơn vị anh nữa. Tôi phải nghỉ học và bảo lưu kết quả một năm để sinh con, ổn định cuộc sống. Cũng từ đây, một chặng đường dài gian nan bắt đầu với gia đình chúng tôi. Chặng đường ấy nhiều gian khổ là vậy, nhưng cũng chính vì thế, hạnh phúc càng được bồi đắp, càng mặn mà thêm. Có lẽ đời lính là vậy, làm vợ lính là vậy. Hạnh phúc của lính là vậy.
May mắn thay, mẹ chồng tôi vẫn còn khoẻ, minh mẫn và thông thái lắm, không cổ hủ lạc hậu như các cụ khác thường thấy ở miền quê thời đó. Bởi thế, bà là nguồn động viên lớn để vợ chồng tôi và con trai vượt qua tất cả, hướng tới hạnh phúc và tương lai.
Bà đã chăm sóc tôi tận tình chu đáo với tình thương ấm áp như người mẹ ruột trong suốt kì thai nghén và sinh nở, đã nhọc nhằn cùng tôi và cháu trên những chuyến xe đường dài trong suốt thời gian tôi tiếp tục việc học để hoàn thành chương trình và tốt nghiệp đại học.
Sau khi hoàn thành chương trình hoc, tôi không vào nơi anh công tác để xin việc mà quyết định trở về quê chồng, làm việc và sống cùng gia đình, anh em họ hàng anh. Như thế nghĩa là chúng tôi lại phải hy sinh hạnh phúc được đoàn tụ bên nhau trong một khoảng thời gian dài nữa, đợi ngày anh hoàn thành nhiệm vụ, trở về quê hương.
Kể từ đó, hàng năm cứ vào dịp hè là mẹ con tôi lại tạm biệt bà nội, đón một chuyến xe đường dài vào miền đất Tây Nguyên đầy nắng và gió để hưởng thụ những ngày hạnh phúc ngắn ngủi bên nhau. Cũng vào mỗi dịp hè, chúng tôi phải thuê hẳn một căn phòng trọ mà như anh nói thì chỉ để được sống hạnh phúc trong một ngôi nhà riêng như bao gia đình hạnh phúc khác, để được cùng vợ con tận hưởng trọn vẹn bầu không khí gia đình ấm áp mà năm nào cũng phải đợi hoài, đợi mãi…Ngoài ra thì hàng năm chúng tôi còn được đoàn tụ cả gia đình một lần nữa vào dịp anh được nghỉ phép. Đơn vị thường ưu tiên cho anh được cắt phép vào dịp tết.
Chính vì thế, mặc dù con trai đầu đã lên tám mà vợ chồng tôi còn do dự, chưa dám sinh con thứ hai. Mẹ chồng tôi cũng mong mỏi lắm, nhưng dường như bà thấu hiểu và thương chúng tôi nên thường không thúc giục như mấy bà bác trong họ, chỉ lặng lẽ thở dài. Một đôi lần, tôi vô tình nhìn thấy mẹ rút chiếc khăn mùi xoa quay mặt chấm chấm những giọt nước mắt già nua lăn trên đôi gò má răn reo. Tôi chợt nghe tim mình thắt lại nghẹn ngào. Xin lỗi mẹ! Cầu trời cho mẹ được khoẻ manh! Hãy đợi chúng con thêm một thời gian nữa…
*************************************************************
Kể từ đó, đơn vị anh và mọi người gọi gia đình tôi là “Gia đình lưu động”.
Tác giả: ngohuong275@…
0 nhận xét:
Post a Comment