Monday, November 4, 2013

Câu chuyện về bát canh bí ngô

Trong bữa ăn, ở dưới mái nhà ánh đèn leo lắt, đứa em út cứ liên tục hỏi :

_Mẹ, canh bí con nấu có ngon không? 
_Chị, canh bí em nấu có ngon không? 

Đưa lên miệng cắn miếng bí mềm, thật ra là có vị hơi là lạ, như thể là mùi khen khét. Mẹ nó mặt vẫn còn lấm tấm mồ hôi, nhưng vẫn cười ấm áp :

_Bé con nấu ăn sắp tài như đầu bếp rồi.

 Còn chị nó không nói gì, chỉ cười mỉm một cái. Nó ngây ngô tin tưởng:

_Thật không hả mẹ, may quá con lại cứ sợ nhà mình hôm nay không còn gì để ăn.

Nói xong nó cười khoái chí.

Cả ngày làm việc quần quật, vất vả, có được bữa ăn, dù chẳng phải thứ gì cầu kì, đã là hạnh phúc lắm rồi. Mẹ và chị nó chỉ nhìn nhau ái ngại, thương nó quá vì chắc chắn nó cũng chỉ muốn làm chị nó, mẹ nó no bụng và không thất vọng mà thôi.





Nhà có hai chị em, nó học lớp năm, chị nó học xong cấp ba thì theo mẹ đi làm công cho người ta, chỉ làm những việc lặt vặt, phụ cho những thợ chính. Tiền công ba cọc ba đồng, tằn tiện lắm cũng chỉ đủ cho cuộc sống qua ngày, còn nuôi nó ăn học nữa. Vì thế mà chị nó buộc phải thôi học, và năm nào xã cũng duyệt cho hộ nó là hộ nghèo. Bố nó thì cũng vì cảnh nghèo mà bỏ mẹ con nó đi làm ăn xa, biệt tích, có khi trong tâm khảm nó còn quên mất khuôn mặt người cha như thế nào.

Ngày nào cũng vậy, buổi sáng đi học, buổi chiều ở nhà nấu cơm giúp mẹ. Dù mới chục tuổi đầu nhưng trông nó già dặn hơn các bạn khác rất nhiều. Nó chỉ có những ước mơ nhỏ nhoi là được có những trang vở trắng nõn, chứ không vàng một màu như vở của nó bây giờ, hay chỉ là một chiếc áo, chiếc váy thắt nơ hồng như mấy bạn hàng xóm. Quần áo của nó sờn và cũ quá. Những ước mơ ấy với một đứa trẻ còn ngây thơ như nó, sao mà khó thế. Nó thương mẹ, thương chị vẫn đi làm thuê cho người ta, cóp nhặt từng tờ tiền lẻ, mồ hôi thấm mốc trên lưng áo mẹ, nắng chát chúa rọi xác xơ gò má chị, chỉ để nó được học hành đầy đủ, nên người.

Có những đêm mùa đông, gió rít lạnh cóng, nó ngồi ở bàn học, thấy mẹ nó ngồi kế bên, lấy những nắm hành khô nướng lên, rồi chườm lên gót chân, bàn tay. Đôi bàn chân ấy, nứt nẻ và khô giáp, đôi bàn chân chạy ngược chạy xuôi, tất bật lo toan mọi bề. Còn bàn tay cũng vậy, những ngón tay nhăn nheo, xù xì, gân guốc, người khác nhìn chưa chắc đã muốn cầm nắm, đôi bàn tay nuôi nấng chị em nó, vun vén cuộc sống này...Chỉ nhìn thôi mà sao nó thấy cay cay nơi khóe mắt - cái đứa bé lòng còn thơm như giấy trắng này. Nó thương mẹ hơn ai hết, cả chị nó nữa, mẹ còn hơn cả phật, mẹ cũng có nghìn tay, cũng lam lũ với đời, để cho nó no ấm.

Quay lại với câu hỏi trong bữa ăn của nó lúc đầu. Rằng là hôm ấy, nó nấu canh bí, chẳng có thịt cũng chẳng có xương. Trong lúc xào bí, nó tranh thủ chạy ra vén mấy cây rau cải muối dưa vào cho gà đỡ ăn. Thì không may vào đến nơi nồi bí đã quá lửa, cháy xém chút đáy nồi. Nó cuống quýt bắt xuống, lo lắng giờ đổ đi thì không còn gì để cho mẹ và chị ăn lúc đi làm về. Vậy là nó quyết định giữ lại những chỗ còn ăn được, cho thêm tỏi và chút nước vào nấu thành canh. Như vậy chắc chắn là vẫn còn chút mùi hơi khét.

Thật ra, mẹ và chị nó cũng đoán ra được điều đó, nhưng chẳng ai nói gì đến chuyện này. Mẹ nó chỉ nghĩ thương nó, phải làm từ nhỏ, phải giúp mẹ nhiều việc khi còn ở tuổi ăn tuổi chơi. Dù biết mỗi nhà một hoàn cảnh, nhưng mẹ nó vẫn phải cố, cố để sau này cuộc sống của nó khá hơn bây giờ. Muốn nó không khổ nhưng hiện tại là bất lực, chỉ mong sau này, ông trời không tiệt đường sống của ai, để mong cho nó đủ đầy bằng chúng bằng bạn.

Cái bữa cơm hôm ấy, nó vẫn ngây thơ như thể mình vừa làm được một điều kì diệu. Chị và mẹ nó vẫn khen ngon. Có niềm vui nhen nhóm trong lòng nó. Còn mẹ và chị nó, thương yêu nó vô cùng, là đứa con, đứa em bé bỏng, ngây thơ.

Đôi khi lời nói dối đúng lúc, đúng chỗ lại làm cho người khác thêm động lực và sự an tâm. Cái bữa ăn đó, sao đạm bạc mà nhiều cái "thấm"...


CHIA SẺ TÔI NHÉ
SOCIALIZE IT →
FOLLOW US →
SHARE IT →

0 nhận xét:

Post a Comment